Thứ Hai, 15 tháng 6, 2015

Băp Hội An đi sang tận Mỹ

Phố Hội (Quảng Nam) tự hào vì có những món ẩm thực dân dã được bảo tồn, phát triển mạnh. Trong đó, có bắp luộc, bắp nướng thơm ngon nức tiếng. Du khách mỗi lần đến Hội An có dịp thưởng thức, đều nhớ mãi cái dư vị ngòn ngọt tự nhiên của bắp… Và bây giờ hương bắp phố Hội đã “bay” sang cả thị trường ẩm thực Mỹ.
“Nghệ danh” từ… bắp
Hội An, mỗi lần đi dạo trên những con đường nép mình trong nếp phố rêu phong cổ kính, chúng tôi lại bắt gặp hình ảnh rất đỗi giản dị của những người dân quê đang bán bắp luộc, bắp nướng. Giữa một khu phố náo nhiệt “ta, tây”, cái chất giọng rao bán Quảng “Nôm” đặc sệt, lâu lâu lại cất lên vài lời rao tiếng Anh, Nhật, Trung, Thái… Vậy mà có thể “làm cứng chân” bất cứ ai khi đi ngang qua quang gánh bắp bốc mùi thơm lựng.
Bắp nướng
Bắp nướng
Nổi tiếng trong số những hàng bắp là bà Lê Thị Trúc ở làng Xuyên Trung, phường Cẩm Nam. Người Xuyên Trung ghép tên bà với sản vật đã làm nên “tên tuổi” của bà và gọi đến thân thuộc “bà Trúc bắp”. “Cái tên nớ gắn với cuộc đời tôi như định mệnh rồi”, bà Trúc cười tươi kể. Người dân làng Xuyên Trung nói, dù làng có nhiều lò bắp nhưng không lò nào ngon qua lò bà Trúc. Có người trong làng đã học theo cách luộc của bà nhưng không sao giống và thành công như bà. Lò bắp của bà có nhiều bạn hàng nhất trong làng.
Làng Xuyên Trung có nghề luộc bắp nổi tiếng tự bao đời. Các bậc cao niên trong làng bảo không biết nghề luộc bắp của làng có từ khi nào. Chỉ biết rằng ngày các cụ sinh ra là đã thấy bà, thấy mẹ làm cái nghề này rồi. Ngày xưa nhà nhà làm nghề bắp luộc. “Bây giờ làng này tập trung lại vào 6 lò luộc bắp. Nhiều nhà bỏ nghề vì đất trồng bắp ngày bị thu hẹp dần, sản lượng ít. Vả lại, chỉ có ai tâm huyết mới giữ nghề gia truyền. Làm cái nghề ni chỉ đủ sống qua ngày”, bà Trúc tâm sự. Bắp làng Xuyên Trung thơm ngon nức tiếng nên được mang đi bán khắp nơi. Bà Trúc bảo bây giờ khắp xứ Quảng Nam – Đà Nẵng, đâu đâu cũng có bán bắp Xuyên Trung. Mỗi ngày, cả 6 lò bắp của làng “đỏ lửa” thì nấu được gần 20.000 trái.
Bắp làng Xuyên Trung được trồng ở Bãi Bồi và Bãi My, hai cồn cát nổi trên con sông Thu Bồn thơ mộng. Để có bắp nấu, các lò nấu ở Xuyên Trung còn phải sang thu mua tận bên xã Cẩm Kim. Mỗi năm các lò bắp trong làng hoạt động chừng 9 tháng. Từ độ rằm tháng chạp năm trước đến Trung thu năm sau là kiệt bắp. Đến mùa lụt, đất bị chìm sâu trong nước, hết trồng được.
Bắp Xuyên Trung “bay” sang Mỹ
Nghề luộc bắp của làng Xuyên Trung có cả trăm năm trước nhưng không phải ai cũng nấu được bắp ngon. Theo bà Trúc thì mỗi gia đình có một bí quyết riêng do ông bà, cha mẹ để lại. Muốn có được một nồi bắp ngon, bắt buộc người luộc phải tuân thủ quy trình. Ngay từ khâu bẻ, trái bắp phải được bẻ đúng thời điểm (khi râu đã quăn, lá bắp đã ngã màu). Nếu bẻ sớm hoặc muộn hơn, trái bắp không được ngon. Đặc biệt phải bẻ vào ban đêm. Từ 1g khuya thắp đuốc đi bẻ đến 3g sáng. Giờ này, trái bắp hấp thụ mọi dinh dưỡng và nước. Khi bắp về phải nấu ngay.
Để trái bắp được ngọt, tuyệt đối không được để bắp từ khi bẻ đến khi luộc quá 5 giờ. Khi luộc bắp cũng phải ngồi trực như… trông con dại vậy! Kinh nghiệm để có nồi bắp giữ được mùi thơm, ngon thì đun ngọn lửa nhỏ, vừa phải, tuyệt đối không để lửa to.
Bắp luộc
Bắp luộc
Để bắp có đậm mùi, mỗi nồi được nêm muối và đường phèn. Bình quân, nồi bắp khoảng 1.000 trái cần cho vào 2kg đường phèn, 2kg muối. Ngay cả thêm nước trong quá trình luộc cũng phải đúng bài. Làm sai một trong các công đoạn trên thì coi như nồi bắp đó bỏ đi.
Bà Trúc cho hay, tiếng lành đồn xa, ai đến Hội An cũng tìm đến mua bắp nấu của bà Trúc về làm quà. Hai năm trước, một vị khách ở thành phố Hồ Chí Minh đến Hội An và biết được “vị” bắp nổi tiếng của bà. Thế rồi, bất ngờ ông này đại diện cho Công ty Searefico đặt vấn đề kết hợp với bà xuất khẩu bắp sang Mỹ. “Nghe nói xuất khẩu bắp mà tôi nổi da gà. Bao đời nay, cả làng Xuyên Trung chỉ nấu bắp bán dạo, làm chi có chuyện xuất khẩu cho người Mỹ ăn đâu”, bà nhớ lại.
Nghe chuyện lò bắp của bà Trúc sẽ là đối tác của một đơn vị để xuất khẩu sang tận Mỹ, cả làng không ai tin. Có người còn bảo, biết đâu ông khách kia lừa. Nhưng rồi chỉ vài ngày sau, ai ai cũng ngỡ ngàng khi thấy bà giao “mẻ” hàng đầu tiên cho khách. Từ đó, cứ mỗi tháng hai lần, bà cung ứng bắp theo đúng hợp đồng để xuất khẩu đi Mỹ. Một tay lo không xuể, bà huy động “nhân viên” là các con trong gia đình, tạm bỏ nghề đang làm, về giúp một tay. Cậu con trai Võ Văn Công nay đã về ở hẳn với bà để “tính toán” chuyện mần ăn “với Mỹ”.
“Hồi trước thì vất vả thật, bây giờ cả nhà tôi đã đỡ hơn nhiều rồi. Không biết người Mỹ ăn bắp của mình khen chê thế nào? Còn tôi, lo cho đủ hàng xuất theo chuyến, tóc cứ bạc dần mấy chú à!”, bà cười sảng khoái, tự hào.
Google Account Video Purchases Việt Nam

0 nhận xét:

Đăng nhận xét